Làm chủ workset trong Revit - Phần 2

Trong bài viết làm chủ workset trong Revit - phần 1 mình có nhắc tới một trong 2 chức năng chính của việc sử dụng workset là để quản lý hiển thị. Nhưng quản lý hiển thị là gì, tại sao phải quản lý hiển thị?
Chúng ta sử dụng Revit MEP để vẽ ra một model 3D nhưng cái cuối cùng chúng ta cần là gì? Câu trả lời là bản vẽ 2D, kỹ sư giám sát và công nhân sẽ cầm các bản vẽ này ra công trường chứ không phải là một cái laptop với Model 3D.
Vậy hệ thống MEP cần những loại bản vẽ gì? Đặc điểm của những loại bản vẽ đó ra sao?
Mình sẽ giới thiệu sơ qua một số loại bản vẽ của hệ thống MEP và ứng với mỗi loại bản vẽ đó sẽ yêu cầu thể hiện những gì.

CÁC LOẠI BẢN VẼ CHO HỆ THỐNG MEP

ACMV Drawing - sample

Bản vẽ hệ thống điều hòa không khí và thông gió: 

Trên bản vẽ này sẽ không thể hiện những đường ống và thiết bị của các hệ thống cấp thoát nước - hệ thống chữa cháy và hệ thống điện.
Tùy theo độ phức tạp của hệ thống và số lượng vật thể trên mặt bằng mà bản vẽ hệ thống điều hòa không khí và thông gió cũng có thể được chia ra làm 2 loại bản vẽ (hoặc nhiều hơn): một loại bản vẽ chỉ chuyên thể hiện các hệ thống gió, loại bản vẽ còn lại chuyên thể hiện các hệ thống ống nước...
Sanitary drawing - sample

Bản vẽ của hệ thống cấp thoát nước:

Bộ bản vẽ hệ thống cấp thoát nước sẽ không thể hiện các đường ống của hệ HVAC và hệ thống điện, hệ thống chữa cháy mà chỉ thể hiện các đường ống, thiết bị cấp thoát nước như bồn rửa, bồn cầu, vòi nước, máy nước nóng...
Bản vẽ cấp thoát nước có thể được chia ra thành 2 hoặc 3 loại bản vẽ khác nhau, tùy theo sự phức tạp của hệ thống đường ống trên mặt bằng. Ít nhất thì hệ cấp thoát nước cần 2 loại bản vẽ đường ống cấp nước và bộ bản vẽ hệ thống nước thải riêng biệt. 
Điểm đặc biệt của hệ thống nước thoát là đường ống trong thực tế nằm ở tầng 3 nhưng lại được thể hiện trên bản vẽ chung với mặt bằng kiến trúc tầng 4.
Fire Fighting Drawing - Sample

Bản vẽ của hệ thống chữa cháy:

Cũng như 2 hệ thống trên, hệ thống chữa cháy chỉ thể hiện các thiết bị của hệ thống như bơm, bể, vòi phun, bình chữa cháy... và các hệ thống đường ống chữa cháy.
Tùy theo mức độ phức tạp của hệ thống đường ống mà bản vẽ sẽ được thể hiện chung hoặc tách các hệ thống chữa cháy khác nhau ra riêng biệt để dễ trình bày.
Lghting system drawing - sample

Bản vẽ hệ điện:

Ngoài việc thể hiện các thiết bị của hệ thống điện, bản vẽ của hệ thống này đôi khi còn phải thể hiện các thiết bị của những hệ thống khác như bơm, quạt và máy điều hòa…(các thiết bị sử dụng điện).
Thông thường thì có hệ thống điện sẽ chia ra ít nhất 4 bộ bản vẽ:
Hệ thống cấp nguồn: bộ bản vẽ này sẽ thể hiện hệ thống thang máng cáp, ống dây điện, vị trí tủ điện, ổ cắm và các thiết bị sử dụng điện khác.
  • Hệ thống chiếu sáng: bộ bản vẽ này sẽ thể hiện bản vẽ thiết kế và bố trí hệ thống đèn, công tắc và tủ điện cho hệ thống chiếu sáng.
  • Hệ thống điện nhẹ: bao thiết bị, tủ điện cho rất nhiều loại hệ thống khác nhau như hệ thống telephone và internet, hệ thống camera an ninh, hệ thống báo cháy... 
  • Hệ thống chống sét và nối đất: thể hiện các thiết bị và mạng lưới conductor...
Ngoài việc thể hiện các thiết bị như thế nào còn cần phải thể hiện thêm những thông tin cho các thiết bị trên bản vẽ đó cho phù hợp.Thậm chí đối với một loại hệ thống, ứng với loại bản vẽ là thiết kế, combined hay là bản vẽ shopdrawing...mà thông tin thể hiện trên đó sẽ khác nhau.


QUẢN LÝ HIỂN THỊ BẢN VẼ TRONG REVIT

Trong Revit, một model có thể chứa đường ống nước nóng - nước lạnh - ống gió và rất nhiều thiết bị khác. Những thiết bị này có thể nằm cạnh nhau nhưng lúc trình bày ra bản vẽ lại chỉ cần thể hiện một số vật thể nhất định trên từng loại bản vẽ.
Revit Model mẫu của các bản vẽ phía trên
Bạn có thể sử dụng lệnh Visibility Graphic để tắt bật các đối tượng trên bản vẽ của mình.
Ví dụ: 
Muốn bản vẽ chỉ thể hiện đường ống gió ta sử dụng lệnh Visibility Graphic và bỏ chọn hết tất cả các category khác chỉ giữ lại một số category như: Duct - Duct Fitting - Duct Accessories (xem ví dụ trong hình).
Khung làm việc bên trái ứng với thiết lập phía trên chỉ hiện ống gió
Nghe có vẽ quá dễ, cần gì workset nữa nhỉ???
Nhưng nếu chuyển qua một ví dụ khác:
Tại cùng một vị trí trong model của bạn có ống của hệ thống chữa cháy - cấp thoát nước và ống chiller. Bạn cần hiển thị chúng ở 3 bộ bản vẽ khác nhau. Nếu sử dụng lệnh Visibility Graphic như trên thì hoặc là bạn sẽ tắt tất cả đường ống, hoặc là sẽ thể hiện tất cả trên cùng bản vẽ. Làm sao để tách chúng ra thành 3 bản vẽ riêng đây?
Cách đơn giản nhất là tạo ra 3 workset riêng biệt cho 3 hệ thống và
  • Vẽ đường ống của hệ thống của hệ HVAC trong workset HVAC
  • Vẽ ống cấp thoát nước trong workset Plumbing
  • Vẽ ống chữa cháy trong workset Fire Fighting
Sau đó, sử dụng lệnh Visibility Graphic để tắt bật các workset như ý muốn. Trong ví dụ, mình tắt tất cả các workset khác và chỉ để workset Fire Fighting hiển thị => chỉ có những đường ống của hệ thống Fire Fighting hiện lên trên bản vẽ.
Ống nước cấp - nước thải - ống gió được vẽ trên các workset khác nhau.
Kiểm tra mình đang ở workset nào cực kỳ dễ dàng, bạn chỉ cần nhìn xuống dưới cùng của cửa số Revit là sẽ thấy được tên workset mình đang sử dụng. Trong hình mẫu phía trên các bạn sẽ thấy chữ HVAC ở dưới cùng - đó chính là workset đang được dùng.
Ngoài ra, bản cũng có thể sử dụng lệnh Filter và View Template để quản lý hiển thị cho bản vẽ. Tuy nhiên, sử dụng phương pháp này chuyên nghiệp hơn và sẽ yêu cầu kỹ năng revit của bạn cao hơn.

KẾT LUẬN

Sử dụng workset để quản lý hiển thị của bản vẽ trong Revit khá dễ dàng. Tuy nhiện việc lạm dụng nó sẽ gây ra khó khăn cho việc quản lý và sửa chữa khi có những sai sót xảy ra.
Trong bài viết tiếp theo, mình sẽ nói về các vấn đề gặp phải khi làm việc trên workset, những lỗi thường gặp và cách hạn chế các lỗi đó.

No comments

Bạn có ý kiến gì đóng góp cho bài viết này không? Để lại comment nhé