Các hệ thống đường ống trong Building

PIPING nói đơn giản là chỉ liên quan tới các đường ống tuy nhiên lại có những kỹ sư chuyên làm về mảng này (PIPING ENGINEER). Trong các công trình công nghiệp, liên quan tới PIPING sẽ có: Piping Material Engineer, Piping Stress Engineer, Piping Design…
Do mục đích của đường ống là dùng để lưu chuyển môi chất, tuy nhiên tùy vào môi chất đó là gì và thuộc hệ thống nào thì cần có những cách tính toán và lựa chọn đường ống khác nhau.
Trong Building Services, các hệ thống liên quan tới Piping bao gồm:
  • Hệ thống Mechanical (điều hòa không khí và thông gió): bao gồm các đường ống gas, ống nước lạnh, nước giải nhiệt, nước nóng và nước ngưng.
  • Hệ thống Plumbing (cấp thoát nước): bao gồm các đường ống nước cấp sinh hoạt, nước thải, nước mưa và ống thông hơi. 
  • Hệ thống Fire Fighting (chữa cháy): bao gồm các đường ống chứa ướt, ống khô, ống khí…
  • Ngoài các hệ thống trên có thể còn các đường ống gas LPG, ống khí y tế, khí nén… tùy theo đặc điểm của từng công trình mà có thể có hoặc không có.

Cơ bản về hệ thống piping của hệ Mechanical (sử dụng Water Chiller):

Hệ thống Mechanical bao gồm thiết bị xử lý là Water Chiller, thiết bị này sẽ làm lạnh nước xuống khoảng 5 -7 độ C.
Nước sau khi được chiller làm lạnh sẽ được bơm đưa tới các thiết bị sử dụng là các AHU, FCU… tại đây nước lạnh trao đổi nhiệt với không khí
  • Nước nhận nhiệt từ không khí rồi tiếp tục trở về chiller để được làm lạnh xuống và bắt đầu vòng tuần hoàn mới.
  • Không khí nhả nhiệt và lạnh xuống được đưa vào phòng để làm mát không gian điều hòa.
  • Trong quá trình không khí giảm nhiệt độ sẽ sinh ra nước ngưng, nước ngưng này sẽ chảy trong hệ thống đường ống thu gom riêng và thải ra vị trí thích hợp.
Nhiệt lượng mà nước lạnh hồi về sẽ được chiller chuyển tới bình ngưng tụ. Tại đây, sẽ có một hệ thống nước giải nhiệt đi tới nhận lấy nhiệt lượng này và đưa ra tháp giải nhiệt để tỏa nhiệt này ra không khí xung quanh. Sau khi tỏa nhiệt xong, nước này tiếp tục tuần hoàn về để tiếp tục giải nhiệt cho bình ngưng của chiller.

Cơ bản về hệ thống piping của hệ Cấp thoát nước - Plumbing:

Hệ thống Plumbing về cơ bản sẽ bao gồm 2 hệ thống: cấp nước và thoát nước.
  • Hệ thống cấp nước lấy nước từ nguồn ( giếng hoặc nước thủy cục…), nước này sẽ được bơm dẫn vào các bể chứa đặt ở các tầng thích hợp (thường là trên mái) để lưu trữ nước trong những trường hợp không mong muốn như cúp nước, cúp điện…Từ bể chứa, một hệ thống đường ống được nối tới các thiết bị sử dụng ( các vòi rửa, thiết bị vệ sinh, nhà bếp…).
  • Hệ thống nước thoát bao gồm nước thoát sinh hoạt và nước mưa. Nước sinh hoạt sau khi được sử dụng (tắm rửa, giặt đồ…) sẽ được thu gom vào các hệ thống nước thải sinh hoạt và đưa về bể xử lý trước khi thải ra các hệ thống cống. Nước mưa sẽ được thu gom bằng một hệ thống riêng và thải ra hệ thống cống hoặc được tận dụng vì mục đích khác.
  • Đi kèm với hệ thống nước thoát là hệ thống ống thông hơi. Vì thông thường các hệ thống nước thải này không sử dụng bơm để vận chuyển nên cần thiết phải thông hơi để thuận tiện cho chất lỏng chảy trong đường ống.

Cơ bản vể hệ thống Chữa cháy - Fire Fighting:

Có khá nhiều hệ thống chữa cháy khác nhau, tuy nhiên trong các building ở nước ta thì hệ thống Wet Pipe và Hosereel được sử dụng phổ biến nhất.
Môi chất dùng để chữa cháy thường là nước, tuy nhiên cũng có thể sử dụng các loại khí khác để chữa cháy ứng với từng loại khu vực nguy hiểm yêu cầu.
Mô tả sơ bộ về hệ thống chữa cháy điển hình trong một tòa nhà:
  • Hệ thống chữa cháy có một hệ thống bồn bể chứa nước chữa cháy riêng với hệ thống cấp thoát nước thông thường.
  • Các đường ống chữa cháy thuộc hệ thống Wet Pipe luôn có sẵn nước trong ống với một mức áp suất nhất định. Trong trường hợp có cháy, đầu sprinkler tự động vỡ ra và tưới nước dập tắt đám cháy, các cuốn vòi ở các tủ chữa cháy được người điều khiển để phun nước dập đám cháy. 
  • Bơm chữa cháy sẽ được kích hoạt để bơm nước tới tiếp nước cho các trụ chữa cháy ngoài nhà, cuộn vòi chữa cháy trong nhà và các đầu phun tự động.

No comments

Bạn có ý kiến gì đóng góp cho bài viết này không? Để lại comment nhé