Event - Friday night Cafe Networking
"30 tuổi mà lương chưa tới 30tr là coi như thất bại."
Đó là câu nói mà sếp cũ đã từng nói với mình và các anh em đồng nghiệp. Có lẽ câu nói đó không chính xác lắm nhưng vào thời điểm đó,nó luôn là mục tiêu trước mắt mình phải vượt qua.
Năm mình 27 tuổi, mình vượt qua được cột mốc đầu tiên, mình vẫn chưa phải là một đứa thành công và vẫn còn phải cố gắng rất nhiều vì bạn bè mình có những đứa thu nhập lên tới hàng trăm mỗi tháng...nhưng quanh mình vẫn có những anh chị trong ngành giỏi hơn mình nhiều lắm, kinh nghiệm cũng lâu năm hơn mình nhưng lương của họ thì....có nhiều người vẫn chưa tới 20.
KỂ LẠI CHUYỆN CŨ
Bước ra khỏi ngôi trường đại học, mình cũng như bao đứa bạn sinh viên khác lao đầu vào kiếm việc. Phải kiếm được việc! đó là mục tiêu mà hầu hết sinh viên mới ra trường cho rằng đó mới chính là mục tiêu duy nhất.
Bạn bè mình mỗi người mỗi hướng, có những đứa thành công với tấm bằng khá giỏi được nhận vào các công ty lớn nhỏ khác nhau. Mình không nằm trong top thành công và chỉ trở thành một thằng họa viên vẽ shopdrawing kiêm luôn giám sát.
Những ngày đầu tiên đi làm, đầu đội mũ trắng chân mang giày bảo hộ, đóng thùng gọn gàng lại được ngồi trong văn phòng, mặc dù chỉ là văn phòng tạm ở công trường nhưng có máy lạnh hẳn hoi. Đi lại trong đám đông mũ vàng tự nhiên có cảm giác mình thành công vượt trội.
Những ngày tiếp theo cái cảm giác vượt trội đó càng ngày càng giảm và cho tới cuối tháng nhận tiền lương mới chợt nhận ra là sau 5 năm trời đi học, gán cái mác kỹ sư vào để rồi lương còn chưa bằng mấy đứa công nhân mới vào làm, chưa bằng cả 1/3 của anh tổ trưởng công nhân. Ngay cả anh phó giám đốc lương hơn 30 củ cũng xuất thân từ một đứa công nhân mà lên. Từ đó, mỗi lần có đứa "chào anh kỹ sư" là mình chỉ thấy nhục và thất bại. Rồi bất chợt mình tự hỏi mình:
"5 năm nữa mình sẽ là ai? 10 năm nữa mình sẽ là ai?"
Câu hỏi đó cũng chính là câu hỏi mà mình chuyển lại cho các bạn trẻ tham gia buổi Friday Night Cafe-networking.
CHIA SẺ LẠI BUỔI CAFE NETWORKING
Thành công là gì? Đừng so sánh mình với người khác! Khi bạn đạt được mục tiêu của mình là bạn đã thành công.
Đầu tiên, để đạt được thành công trên con đường sự nghiệp của mình bạn phải có một mục tiêu. Nhưng làm sao để có được mục tiêu?
B1: Xác định mục tiêu sự nghiệp.
Đừng vội vàng tìm kiếm công việc trước mắt, bởi vì một khi bạn đã vào làm bạn sẽ bị cuốn vào vòng xoáy đó và nếu như quá đà không kịp dừng lại sẽ mãi mắc kẹt trong vòng xoáy luẫn quẩn đó.
"kinh nghiệm 15 năm của anh, các công việc anh làm được thì những kỹ sư 5,7 năm kinh nghiệm họ dường như cũng làm hết được" đó là câu nói trong một bài viết chia sẻ của một anh kỹ sư xây dựng (xem bài viết: Thương cho một kiếp kỹ sư công trình). Sau 15 năm thâm niên, mức lương tăng dần theo quy định nhà nước nhưng nếu ra công ty khác làm công việc tương đương ai sẽ trả lại cho anh ấy mức lương hiện tại?
Để xác định mục tiêu nghề nghiệp của mình bạn cần hiểu được tiềm năng của nó, bạn sẽ làm được những công việc gì, ở những công việc nào bạn sẽ làm cái gì mới mức thu nhập bao nhiêu...
Nhưng đó mới chỉ là yếu tố đầu tiên, để đạt được mục tiêu của mình bạn cần giữ được "lửa" để đi tới thành công. Công việc của bạn chọn cần nằm ở đâu đó điểm giao thoa giữa "chuyên môn" - "xã hội cần" và " sở thích" của bản thân. Thiếu một trong 3 yếu tố, bạn khó mà đi tới được điểm đến cuối cùng.
Kinh nghiệm của mình chưa đủ nhiều và sâu sắc tuy nhiên mình có một số bài viết chia sẻ về tiềm năng của lĩnh vực HVAC, những bài viết chia sẻ về nghề nghiệp cho khối khác trong MEP đang được các anh chị trong nhóm BlogRilynn thực hiện.
Và sau khi bạn đã có mục tiêu, làm gì tiếp?
B2: Thiết kế con đường sự nghiệp của mình.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra cho mình bạn cần có những mục tiêu nhỏ hơn cho từng giai đoạn. Bạn không thể đặt mục tiêu trở thành chủ tịch nước mà bắt đầu bằng chức trưởng thôn rồi từng bước đi lên được. Ít nhất thì chủ tịch nước cần phải biết luật, kinh tế, chính trị...mà muốn biết thì cần phải học.
Cái bạn cần là học hỏi. Hãy xác định mình cần học hỏi những gì để có thể làm được công việc đó, mình sẽ học những thứ đó ở đâu...Tự vạch ra một lộ tuyến cho con đường học hỏi của mình và khi bạn đáp ứng đủ các Job Requirement thì còn ngại ngùng gì mà không ứng tuyển.
B3: Hành động! Và đừng đi sai hướng.
24t mới ra trường bạn kiếm một công việc với mức lương 7tr, cặm cụi tăng ca kiếm thêm 4tr
25 tuổi bạn tăng mức lương của mình lên 9tr, cặm cụi tăng ca kiếm thêm 5tr
26 tuổi lương 12tr và vẫn tăng ca mỗi tháng kiếm thêm 6tr...
Và cứ như vậy, sau khi trừ đi hết chi tiêu thì tới năm 30 tuổi bạn có dư được bao nhiêu?
Nhưng nếu trước 30t bạn không dư một đồng nhưng mức lương 35tr và không cần tăng ca, chi tiêu ít một chút thì 1 năm đó bạn hoàn toàn có thể dư ra gần 350tr.
Bạn muốn mình là ai? Với các bạn trẻ, hãy luôn giữ trong đầu mình "trước 30 tuổi chưa phải lúc kiếm tiền". Còn trẻ, bạn còn học được rất nhiều thứ mà khi có tuổi một chút rồi sẽ không còn khả năng tiếp thu nhanh như vậy nữa.
Rất khó để giữ được tỉnh táo, một khi bạn bắt đầu bỏ qua bạn bè của mình bạn sẽ bắt đầu cảm thấy tự hài lòng với những gì mình đạt được. 26 tuổi, tính cả tăng ca trung bình kiếm được 18 19tr mỗi tháng đã là một khoản thu nhập cao so với mức trung bình. Nhưng con đường không bằng phẳng như nhiều người nghĩ, rất nhiều anh chị sau khi chạy bay như gió tới mức lương 15 18tr thì gần như không còn tăng lương nữa vì:
Kinh nghiệm 15 năm của anh, các công việc anh làm được thì những kỹ sư 5,7 năm kinh nghiệm họ dường như cũng làm hết được.
Còn trẻ, hãy luôn tự nhắc nhở mình "trước 30 tuổi chưa phải lúc kiếm tiền" nếu như bạn còn muốn tiến xa hơn.
Post a Comment