Sử dụng Revit để bóc tách khối lượng trong thực tế
Khoảng thời gian gần đây mình nhận được khá nhiều câu hỏi về chủ đề bốc khối lượng bằng Revit, do đó trong bài viết này mình sẽ chia sẽ những kinh nghiệm và quan điểm cá nhân về lĩnh vực này.
Bốc khối lượng là gì?
Bốc khối là một công việc nói khó thì không khó nhưng nói dễ thì không hề dễ. Công việc bốc khối lượng chủ yếu mang tính đo đếm, thống kê nhưng một người làm công việc này ngoài tính tỉ mỉ cẩn thận còn phải có hiểu biết nhất định về thiết bị và hệ thống. Một kỹ sư bốc khối lượng sẽ cần hiểu về hệ thống sâu hơn so với kỹ sư giám sát.
Còn nói về tầm quan trọng của nó? Đây là một công việc cực kỳ quan trọng, đơn giản vì nó trực tiếp liên quan tới tiền bạc, liên quan tới lợi nhuận của nhà thầu cũng như giá cả của dự án.
Về cơ bản, một dự án sẽ cần qua 2 lần bốc khối lượng chính:
Giai đoạn dự thầu (tender):
Ở giai đoạn này đơn vị thiết kế sẽ phát hành hồ sơ tender để chủ đầu tư tiến hành mời thầu. Từ bộ hồ sơ đó, các đơn vị dự thầu sẽ tiến hành bốc khối lượng cơ bản và báo giá.
Dĩ nhiên, để trúng thầu thì bốc khối lượng càng chính xác càng tốt. Nhưng hồ sơ tender chưa phải là hồ sơ cuối cùng và sẽ còn tiếp tục thay đổi, còn thời gian để các nhà thầu bốc và báo giá hầu như lúc nào cũng “chật hẹp”.
Trong khi đó, để trúng thầu thì cần phải đưa ra cái giá thấp mà quan trọng nhất là với cái giá đó nhà thầu phải có lời. Giá cả dự thầu phụ thuộc rất nhiều vào độ chính xác của bảng khối lượng.
Giai đoạn thi công:
Ở giai đoạn này thì cơ bản vai trò của bốc khối lượng bớt quan trọng hơn, dễ dàng hơn nhưng lại tiêu tốn nhiều thời gian hơn do cần phải đưa ra khối lượng chính xác để mua hàng.
Và một yếu tố nữa là ở giai đoạn này nhà thầu có nhiều thời gian hơn để bốc chính xác khối lượng trong khi bản vẽ đã được duyệt thi công và coi như không còn thay đổi nữa.
Sử dụng Revit để bốc khối lượng:
Bốc khối lượng bằng Revit và Autocad:
Với các bản vẽ Autocad thì việc bốc khối lượng cũng khá khó khăn và hầu như mọi công việc phải làm bằng tay: đo đạc chiều dài ống, đếm từng cái phụ kiện và phân rõ chủng loại… Với Revit mọi việc sẽ dễ dàng hơn nhiều vì Revit có chức năng tạo bảng schedule để thống kê vật tư một cách chi tiết, miễn thiết bị đó được vẽ ra trong model thì bạn sẽ bốc được nó ra trong bảng schedule.
Ứng dụng các phần mềm BIM để bốc khối lượng:
Revit hay các phần mềm có chức năng bóc tách vật tư như Navisworks được ứng dụng để bốc khối lượng trong mô hình BIM 5D.
Nhưng mô hình BIM 5D cũng chỉ được gọi là Cost Estimating và thực ra chức năng Schedule của Revit hay các phần mềm khác cũng chỉ trả kết quả về là một bảng MTO (Material Take-Off). Ngay cả những model được tạo ra bằng phần mềm PDMS (một phần mềm BIM chuyên được sử dụng cho các dự án Process Plant), bảng Schedule có thể bóc tách ra tới từng cái gasket, bao nhiêu ốc vít...nhưng vẫn chỉ được gọi là MTO chứ không phải BOQ.
Những bảng bóc tách vật tư trên các phần mềm không thể thay thế hoàn toàn con người được (ít nhất là cho tới thời điểm hiện tại), các bảng MTO này chỉ có chức năng thay thế con người để làm những công việc đo đếm và thu thập nhưng dữ liệu thô, từ đó cần qua thêm một bước xử lý và hiểu chỉnh mới có thể đưa ra bảng BOQ (Bill Of Quantities).
Thực tiễn sử dụng Revit để bốc khối lượng:
Theo mình thấy, hiện tại thì phần đa mọi người đều có chung một suy nghĩ là chỉ cần tạo ra một model đúng thì sẽ sử dụng nó để bốc khối lượng được và model càng chi tiết, càng đầy đủ family thì bốc khối lượng sẽ càng chính xác.
Thực tế thì quan điểm này chỉ đúng một nửa:
Dĩ nhiên, model chính xác và chất lượng tốt thì sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc tạo ra bảng schedule tốt. Nhưng, không phải model càng nhiều, càng chi tiết giống như thực tế thì càng tốt.
Mặc dù Revit có chức năng bóc tách vật tư nhưng không có nghĩa là biết sử dụng chức năng này của phần mềm là lập tức có thể dùng nó để bóc tách vật tư. Tương tự nhưng một phần mềm tính toán, không phải cứ biết sử dụng phần mềm Trace 700 là sẽ thiết kế được HVAC, không phải cứ biết sử dụng DIALux evo là có thể thiết kế lighting hoặc cứ biết dùng FHC là lập tức thiết kế được hệ thống chữa cháy.
Mặc dù phần mềm đã có chức năng đó nhưng thiết đi quy trình thực hiện thì kết quả làm ra cũng gần như không sử dụng được hoặc tác dụng không nhiều. Và để áp dụng BIM 5D làm công việc Cost Estimating thì người ta cần phải nghiên cứu để đưa ra một quy trình thực hiện cho tới cách model như thế nào, bốc những vật tư gì, làm sao để bốc và xử lý kết quả như thế nào…
KẾT LUẬN:
Thực tế, trong tầm hiểu biết của mình hiện tại ở VN, với hệ thống MEP/ Process thì chỉ có một số công ty sử dụng PDMS là có sử dụng một phần BIM 5D còn với Revit thì gần như là hoàn toàn không có. Sử dụng Revit để cho ra bảng schedule thống kê chi tiết tới từng đoạn ống, dây điện hay cả số lượng từng con ốc vít mới thực sự là sử dụng được chức năng này.
Và cho dù có áp dụng tới BIM 5D thì ở giai đoạn dự thầu vẫn cần người tham gia bóc tách khối lượng, và như mình đã giới thiệu ở phía trên thì bộ bản vẽ tender vẫn chưa phải là hoàn thiện và vẫn còn cần sửa chữa. Hơn nữa, có nhiều thứ sẽ không được thể hiện trên bản vẽ/ model của đơn vị thiết kế, và do đó cần người có kinh nghiệm để chắc chắn bóc tách không mà không bị thiếu những thiết bị này.
Ví dụ:
Bên dưới đây là một phần trong bản vẽ thiết kế:
Bên dưới đây là bản vẽ thi công được làm ra từ thiết kế bên trên:
So sánh giữa 2 bản vẽ: trong bản vẽ thiết kế không thể hiện cụm van ở mỗi FCU như bản vẽ thi công. Đường đi của tuyến ống giữa 2 bản vẽ cũng có những điểm khác nhau và bản vẽ thi công thể hiện rất nhiều phụ kiện trên đường ống...
Nếu như không có quy trình bóc tách mà lại sử dụng chức năng tự động bóc tách khối lượng của phần mềm thì chắc chắn sẽ thiếu thiết bị.
Revit có thể sử dụng để hỗ trợ bóc tách vật tư, nhưng để ứng dụng được nó cần phải có một quy trình làm việc chuyên nghiệp từ công đoạn xử lý model như thế nào, thiết lâp template bảng schedule ra sao và quan trọng nhất vẫn là cách kiểm tra tính chính xác của dữ liệu thô và xử lý những dữ liệu thô này để cho ra bảng BOQ cho dự án.
Có vẻ nan giải quá nhỉ. Nhưng trong thực tế ngta cũng bóc tách trực tiếp trên bản vẽ thiết kế chứ trong giai đoạn này có ai ngồi vẽ chi tiết được như bản vẽ thi công đâu mà bóc tách chính xác được
ReplyDeleteCũng không nhất thiết phải vẽ chi tiết mới bốc được, ngược lại thì vẽ chi tiết rồi cũng chưa chắc bốc được bạn. Quan trọng phải có quy trình bóc tách và xử lý dữ liệu.
ReplyDeleteHay quá anh ơi, hehe
ReplyDelete