Làm BIM cần AutoCAD hay không?


Với sự phát triển của BIM và các phần mềm làm BIM, hiện nay xu hướng sử dụng các phần mềm CAD (Computer Aided Design) với định dạng đuôi file là DWG đang có vẻ dần dần trở nên lỗi thời.
Ở công ty cũ của mình, trước đây, mặc dù vẫn làm BIM - vẫn sử dụng revit để cho ra model nhưng khách hàng thời ấy vẫn bắt yêu cầu có một bộ bản vẽ DWG gửi về cho họ. Nhưng thời gian 2 năm gần đây hầu như các khách hàng từ Úc không còn yêu cầu bản vẽ DWG nữa mà sử dụng trực tiếp revit Model để cho ra bản vẽ shopdrawing thi công rồi lưu trữ hồ sơ.
Như vậy, có còn chỗ đứng nào cho Auto CAD?

BUILDING SERVICES:

Trong bộ hồ sơ thiết kế của hệ thống MEP vẫn có những bản vẽ hoàn toàn sử dụng 2D: các bản vẽ Schematic, Symbol & Legend và Typical Installation Detail. Và phần lớn hiện nay, các công ty vẫn sử dụng AutoCAD để thực hiện các bản vẽ này. 
Tuy nhiên, Revit hoàn toàn cho phép chèn bản vẽ DWG vào và biến nó trở thành phần tử 2D trên Revit. Do đó các bản vẽ Symbol & Legend và Typical Installation Detail hoàn toàn có thể làm trực tiếp trên Revit một cách dễ dàng vì cho dù làm bằng AutoCAD thì các bản vẽ này cũng chủ yếu chỉ là lục lọi trong thư viên rồi trình bày lên trong khung bản vẽ và rất ít khi cần vẽ mới một đối tượng nào đó.
Điểm yếu duy nhất còn lại của Revit chỉ là các bản vẽ sơ đồ nguyên lý. vì đây là các bản vẽ phải thực hiện mới hoàn toàn cho mỗi công trình, không phải chỉ là dạng "xếp hình" như 2 loại bản vẽ kể trên.
Mặc dù vậy, sơ đồ nguyên lý của hệ thống MEP cho lĩnh vực building services không thực sự quá nhiều và phức tạp, và nếu bạn đã từng sử dụng Revit để vẽ 2D thì chắc hẳn cũng nhận ra rằng Revit hoàn toàn đảm nhiệm được các bản vẽ này. Do đó cũng có khá nhiều công ty sử dụng Revit để thực hiện luôn sơ đồ nguyên lý. Hình ảnh phía trên là sơ đồ nguyên lý của hệ thống HVAC được mình thực hiện hoàn toàn trên Revit trong một dự án cũ.
Nói về bản vẽ mặt bằng:

  • Công bằng mà nói, để thực hiện 3D model trên Revit vẫn tốn nhiều thời gian hơn so với thực hiện bản vẽ thiết kế bằng Auto CAD. Tuy nhiên, khi thực hiện khâu trình bày bản vẽ Revit tỏ ra ưu thế hơn rất nhiều. Và cuối cùng, nếu xét tới khía cạnh coordinate thì nếu làm trên Auto CAD phải tốn ít nhất gấp 3-4 lần thời gian mà kết quả không thể cao bằng khi thực hiện trên Revit.
  • Nếu đứng trên khía cạnh của một công ty thiết kế, khi mà kiến trúc còn đang thay đổi liên tục và thậm chí là chủ đầu tư chọn lại phương án thiết kế khác thì việc làm đi làm lại xảy ra như cơm bữa. Và như đã nói ở trên, thực hiện 3D tốn thời gian như vậy còn phải làm đi làm lại, câu hỏi đặt ra là: nên hay chăng, sử dụng Auto CAD khi mà thiết kế chưa ổn định? 
    • Rất nhiều công ty hiện vẫn sử dụng Auto CAD cho các giai đoạn đầu trong thiết kế, và tới lúc thiết kế đã ổn, không còn sự thay đổi liên tục nữa mới bắt đầu sử dụng Revit.
    • Thực ra, Revit cũng có các chức năng dùng cho các giai đoạn thiết kế ban đầu. Và như vậy thì việc sửa chữa các thay đổi không quá tốn thời gian mà cũng chỉ tương đương hoặc thậm chí còn nhanh hơn làm trên AutoCAD. 
    • Một trong các công cụ vừa được nói ở trên là Pipe Place Holder, Duct Place Holder dùng để vạch tuyến đường ống. Việc vẽ tuyến ống dễ dàng hơn nhiều so với làm trên AutoCAD, và khi cần thiết có thể biến cái vạch tuyến đó thành đường ống 3D trực tiếp chứ không cần vẽ lại.
  • Nếu đứng trên khía cạnh là một công ty thi công, khi mà thiết kế đã gần như không còn thay đổi (dĩ nhiên vẫn có, vì mình dùng chữ gần như) thì việc sử dụng Revit thay cho CAD 2D là không cần bàn cãi nữa.

Và như vậy, gần không còn chỗ đứng nữa cho Auto CAD trong lĩnh vực Building Services. Tuy nhiên, với năng lực hiện tại của các công ty trong nước, việc xóa bỏ hoàn toàn Auto CAD vẫn là một tương lai hơi xa.

INDUSTRIAL - PROCESS PLAN:

Process Plan là nhà máy với diện tích cực kỳ rộng và hệ thống đường ống rất nhiều và phức tạp, lại bảo gồm rất nhiều chủng loại khác nhau. Khi nhắc tới Process Plan người ta thường nói tới các bản vẽ PFP, P&ID, Isometric...
Để thực hiện các bản vẽ mặt bằng hoặc model cho các dạng công trình này. Người ta thường sử dụng các phần mềm như CADPlan, PDMS để thực hiện BIM cho phần đường ống công nghệ và sử dụng các phần mềm như Revit để thực hiện các phần Building Services trong Process Plan đó.
Đối với nhà máy, sự thay đổi trong quá trình thiết kế còn nhiều hơn trong Building Services thông thường. Và bên cạnh đó, nó còn sử dụng nhiều loại phần mềm để thiết kế chứ không phải chỉ sử dụng chung 1 loại. Do đó, để có thể dễ dàng "nói chuyện" với nhau trong khi thiết kế, các đơn vị liên quan vẫn dùng DWG làm loại ngôn ngữ chung trong những giai đoạn đầu thiết kế. Và tới lúc thiết kế đã đi vào giai đoạn ổn định các bên mới bắt đầu sử dụng ngôn ngữ riêng của mình để thực hiện các 3D model.
Còn để thực hiện các bản vẽ PFD, P&ID thậm chí Autodesk có hẳn phần mềm CADPID dành riêng cho nó. Do đó, có lẽ là tất cả các công ty làm ở mảng này đều sử dụng CAD 2D để thực hiện các loại bản vẽ này.
Bản vẽ isometric cũng là một dạng bản vẽ 3D, nó tương tự như khi bạn nhìn hệ thống đường ống trong 3D view của Revit từ góc nhìn ở các đỉnh của hộp ViewCube. Nhưng Revit không tạo ra được bản vẽ isometric, dạng bảng vẽ mình vừa nói ra chỉ là có dạng của isometric mà thôi. Ảnh minh họa bên dưới là 3D isometric view trên phần mềm Revit.
AutoCAD vẫn đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong các dự án công nghiệp, process plan cho dù dự án có làm BIM hay không.

NOTE:

Trong bài viết mình sử dụng trực tiếp tên gọi của các phần mềm thuộc hãng Autodesk vì đây là những phần mềm phổ biến nhất ở VN. 
Đúng ra Revit phải được thay thế bằng "phần mềm BIM" vì ngoài Revit ra còn hàng tá phần mềm khác cũng có thể làm BIM. Tuy nhiên dùng Revit vì đây là phần mềm làm BIM phổ biến nhất tại nước ta, đến nỗi người ta hình dung BIM là Revit và dùng Revit tức là làm BIM.
AutoCAD đúng ra nên gọi là "phần mềm CAD 2D", vì cũng tương tự như Revit, có rất nhiều phần mềm vẽ ra đối tượng 2D và có đuôi file là DWG. Trong ảnh dưới đây là giao diện của LibreCAD, một phần mềm vẽ CAD hoàn toàn miễn phí.

2 comments:

Bạn có ý kiến gì đóng góp cho bài viết này không? Để lại comment nhé