Làm Sao Để Triển Khai BIM Thành Công - P2

Trong phần trước mình đã nêu lên có 3 yếu tố để quyết định triển khai BIM thành công nhưng cụ thể nó như thế nào?
Trong phần này mình đi phân tích sâu hơn về yếu tố đầu tiên: Nhân Lực.

YẾU TỐ NHÂN LỰC

BIM không phải là Revit, trong những công ty "có làm BIM" thì yếu tố này gần như ai cũng nghe nhưng thực tế là nếu dự án yêu cầu CAD thì không ai nghĩ đó là dự án có BIM. Trong suy nghĩ của rất nhiều người thì vẫn chốt hạ một câu: Một dự án làm BIM là cần có Revit, suy nghĩ này là sai và nó dẫn tới nhiều hệ lụy khác.

Để làm một dự án cần có rất nhiều người, từ Project Director, CMs, PMs, PAs, Engineers, cho tới Drafters, Suppervisors, Operators... 
  • Nếu hiểu BIM là một phương thức làm việc thì để làm BIM được dĩ nhiên tất cả mọi người đều phải tham gia thực hiện. 
  • Nếu hiểu có revit là có BIM vậy thì chỉ có Drafter/Modeler là người làm BIM.
=> Từ dẫn chứng trên, chúng ta thấy rõ được "dự án BIM" của mình sẽ đi tới 2 kết quả rất khác nhau. Và dĩ nhiên là một dự án làm BIM đúng nghĩa thì tất cả mọi người cùng phải tham gia.

Trong bài viết này mình chưa đề cập tới BIM dành cho các đơn vị vận hành nên phân tích về nguồn nhân lực chỉ giới hạn trong các công ty tư vấn thiết kế và nhà thầu.

BIM DÀNH CHO CÁC CẤP QUẢN LÝ:

Đối với phần lớn những PD, PM, CM thì họ không quan tâm BIM là cái gì, miễn sao dự án chạy ổn định và đúng tiến độ.

Đối với phần lớn những nhân sự cấp cao này thì BIM chỉ hiệu quả khi họ đi làm hồ sơ dự thầu. Những hình ảnh, clip 3D, bản vẽ 3D Revit đẹp đẽ dễ gây ấn tượng với chủ đầu tư và dễ trúng thầu hơn. Nhưng trong quá trình làm việc thì gần như là hoàn toàn ngược lại.

Ở đây mình không đi nói BIM là gì, nhưng khi đã hiểu nó là một phương thức làm việc mới thì nhất định cần phương thức quản lý mới. Nhưng những nhân sự làm quản lý lại không áp dụng cách quản lý mới thì dự án BIM sẽ đi về đâu?

BIM chỉ là một cách làm mới, nó không quá phức tạp mà cũng không phải làm BIM là phải từ bỏ hết tất cả mọi thứ của cách làm truyền thống. Một khi đã hòa nhập thì có thể cảm thấy nó cũng không khác gì so với mấy dự án bình thường. BIM tập trung thay đổi về quy trình quản lý và để thay đổi được thì sản phẩm làm ra cần đáp ứng một số yêu cầu của quy trình mới.

Để công ty triển khai BIM thực sự thành công, các cấp quản lý là những người cần thực sự phải hiểu về BIM để triển khai cho những người làm trực tiếp cần phải làm gì để hoàn thành dự án. Nhân viên chỉ làm theo ý sếp, quản lý không hiểu về BIM => công ty không có BIM.

BIM DÀNH CHO KỸ SƯ VÀ HỌA VIÊN:

Kỹ sư và họa viên là những người làm trực tiếp trong dự án. Liên quan tới đối tượng này, có 2 yếu tố ảnh hưởng tới phát triển BIM của công ty:

Mô hình hoạt động:

Hiện tại, ở các công ty trong nước cũng có 2 hình thức làm việc:

  • Mô hình 1: kỹ sư chỉ làm những công việc tính toán, vẽ là việc của họa viên.
  • Mô hình 2: kỹ sư vừa tính toán vừa vẽ, họa viên là người vẽ chính vừa phụ tính toán.

Việc lựa chọn mô hình làm việc phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực hoạt động của công ty và ngay cả yếu tố văn hóa. Tuy nhiên, nhiều công ty lại áp dụng cái đã thành công của các công ty nước ngoài áp dụng vào trong nước dẫn đến nhiều việc không phù hợp.

Ví dụ 1:

Một kỹ sư Hóa, công việc chủ yếu là tính toán và mô phỏng các quy trình. Họ đương nhiên sẽ không tham gia nhiều vào công việc vẽ vời và tính toán đường ống, việc đó là của kỹ sư Đường Ống. 

Tuy nhiên, nếu 1 kỹ sư HVAC cũng làm điều tương tự thì hoàn toàn không thích hợp vì ngay cả công việc lựa chọn và bố trí miệng gió phù hợp cũng mang tính chất engineering. Tính toán đúng mà bố trí sai có thể làm gia tăng điện năng tiêu thụ của hệ thống hoặc thậm chí nóng lạnh thất thường.

Ở một số nước, họa viên là những người học phổ thông và biết phần mềm, công việc của họ là vẽ lại những gì được giao. Tuy nhiên, ở nước ta thì họa viên cũng có bằng đại học. Dù ít dù nghiều thì cũng có một bộ phận "engineer" có thái độ bề trên với các "họa viên". Mang tâm lý đó, họa viên thường rời bỏ công ty đi tìm công việc "engineer" dẫn tới tình trạng thiếu nhân sự.

Mô hình thứ 2 có nhiều ưu điểm hơn nhưng hiện tại không có nhiều công ty áp dụng mô hình này.

Tâm lý làm việc:

Làm kỹ sư cũng không có nghĩa đứng ngoài BIM nhưng:

  • Có một bộ phận kỹ sư trẻ vừa upgrade lên từ vị trí họa viên cố tránh né không sử dụng tới phần mềm BIM này với tâm lý sử dụng Revit thì vẫn là họa viên.
  • Với kỹ sư lớn tuổi, không nhiều người muốn học hỏi thêm phần mềm mới. Họa viên cuối cùng là người vẽ chính và họ không muốn sản phẩm của mình làm ra trên một công cụ mình không kiểm soát được.

Dĩ nhiên là tham gia làm BIM không có nghĩa là phải dùng Revit (mình từng làm dự án sử dụng autoCAD làm BIM, bản vẽ đưa ra phải có metadata cho tất cả thiết bị...).

Ngoài câu chuyện Revit thì BIM tools cho kỹ sư vẫn rất nhiều nhưng các công ty hạn chế mua, quy trình làm việc của kỹ sư khi thực hiện dự án BIM thì rất ít và thậm chí gần như không có công ty nào nói tới.

KẾT LUẬN:

Để cho các bạn làm MEP dễ hiểu hơn mình có 1 ví dụ như thế này:
Nếu bạn lắp một cái van trên đường ống, có 2 trường hợp xảy ra:
  • Nếu đó là van cơ học, người vận hành cần tới tận nơi lắp van để thao tác đóng hoặc mở van.
  • Nếu đó là van điện từ thì cần thêm những module, thiết bị giám sát lưu lượng/ chênh lệch áp suất/ cảm biến nhiệt độ...để lấy tính hiệu gửi về cho bộ xử lý. Thao tác đóng mở van có thể thực hiện từ xa chỉ bằng 1 nút nhấn hoặc có thể lập trình tự động.

Kếu quả của 2 trường hợp trên đều là đóng hoặc ngắt dòng chảy trong đường ống. Tuy nhiên, quá trình thực hiện (work flow*) lại khác biệt rất nhiều.

Nếu ví phương pháp làm việc truyền thống là work flow* khi gắn van cơ học, BIM là work flow*  khi dùng van điện từ. Revit chẳng qua chỉ là cái motor gắn trên cái van mà thôi.

Làm BIM mà chỉ có Modeler tham gia thì cũng như mình gắn 1 cái công tắc cho cái motor của van. Khi cần đóng ngắt thì Modeler tới tận nơi bật công tắc vặn van thay vì thao tác bằng tay, thế thôi.

No comments

Bạn có ý kiến gì đóng góp cho bài viết này không? Để lại comment nhé